Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

ĐÓNG TÀU CHO MAI PHỤNG LỰU

 




Hôm nay : 29-11-2012 , tại Hải phòng đã làm lễ đặt ky, khởi công đóng tàu dịch vụ nghề cá cho "sói biển" Mai Phụng Lựu.
  Tàu có thông số như sau 
     - Chiều dài  : 45.68 m
     - Chiều rộng : 7.46 m
     - Chiều cao mạn : 4.2 m
     - Chiều chìm toàn tải : 3.0m
     - Máy chính: công suất 840 cv
     - Trọng tải      :  600 tấn
     Tin rằng , dưới sự chỉ đạo của kỹ sư vỏ tàu khóa 14, Nguyễn Đức Lâm ,
       CÔNG TY CỔ PHẦN CƠ KHÍ ĐÓNG TÀU THỦY SẢN VIỆT NAM, sẽ hoàn thành con tàu đúng kế hoạch, chất lượng tốt, giá thành hợp lý,  giúp cho Công ty của Mai Phụng Lựu, và bà con đảo Lý Sơn -Quảng Ngãi, có thêm phương tiện để sản xuất và góp phần  bảo vệ chủ quyền , biển đảo của Tổ Quốc thân yêu 





QUÊ HƯƠNG NÚI ẤN-SÔNG TRÀ


Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

NGÀY KỶ NIỆM TẠI HẢI PHÒNG

Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Cơ khí- Đóng tàu (1962-2012)

Tặng hoa cho các giáo viên nguyên lãnh đạo Trường, lãnh đạo Khoa
Ngày 15 tháng 8 năm 1962 đã trở thành cột mốc thời gian đáng ghi nhớ đối với bao thế hệ Thầy Cô giáo và các cựu sinh viên của Khoa Cơ Khí Đại học Giao thông đường thủy - tiền thân của Khoa Cơ khí và Khoa Đóng tàu ĐHHH ngày hôm nay. Đó là ngày khai giảng khóa học đầu tiên của Khoa Cơ khí. Kể từ ngày đó đến hôm nay đã tròn 50 năm với bao thăng trầm lịch sử. Hàng bao thế hệ kỹ sư của các chuyên ngành Máy tàu thủy, Máy xếp dỡ, Vỏ tàu thủy, và Đóng tàu thủy đã trưởng thành từ cái nôi đầu tiên ấy và có những đóng góp đáng kể cho công cuộc CNH và HĐH đất nước trong các thời kỳ. Để ghi lại những mốc son đáng nhớ trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của Khoa, thể theo nguyện vọng của các thế hệ Thày Cô giáo, các thế hệ cựu sinh viên và học viên cao học của Khoa, kể từ năm 1997 cứ 5 năm một lần khoa Cơ khí – Đóng tàu lại long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm ngày thành lập. Năm nay là một dấu mốc vô cùng có ý nghĩa khi chúng ta đã đi qua nửa thế kỷ. Được sự chỉ đạo và cho phép của Ban thường vụ Đảng Ủy và BGH trường ĐHHH, 08h30 ngày 4 tháng 11 năm 2012, Khoa Cơ khí – Đóng tàu long trọng tổ chức :" Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Cơ khí- Đóng tàu(1962-2012)". Tới dự có các lãnh đạo đại diện cho Cục, Viện, Tập đoàn,Tổng công ty, các Trung tâm; các Công ty,Quân chủng Hải quân; các Chi cục Đăng kiểm thuộc Cục đăng kiểm Việt nam; các trường Đại học, Cao đẳng; cùng nhiều Tổ chức và đơn vị vốn là đối tác truyền thống của Khoa Cơ khí– Đóng tàu trong những năm qua.
Về phía Nhà trường có PGS.TS Lương Công Nhớ- Hiệu trưởng Nhà trường cùng các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Thủ trưởng các đơn vị.
Về phía lãnh đạo Khoa có GS.TS. NGƯT. Lê Viết Lượng- Trưởng khoa Cơ khí; PGS. TS. NGƯT. Lê Hồng Bang- Trưởng khoa Đóng tàu cùng các giảng viên nguyên lãnh đạo Trường, lãnh đạo Khoa, các giảng viên đang giảng dạy tại Khoa, hơn 500 sinh viên các thế hệ tới dự.  
Tại buổi Lễ, GS.TS. NGƯT. Lê Viết Lượng- Trưởng khoa Cơ khí đã đọc diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Cơ khí- Đóng tàu. Tiền thân của khoa Cơ khí – Đóng tàu, Trường Đại học Hàng hải là Bộ môn Cơ khí thủy thuộc khoa Cơ khí, Trường Đại học Giao thông Vận tải được thành lập từ năm 1962. Bộ môn gồm các thầy Đào Vũ Hùng - kỹ sư vỏ tàu, chủ nhiệm bộ môn. Các giáo viên trong bộ môn là thầy Nguyễn Hữu Tố, kỹ sư vỏ tàu, thầy Đặng Hộ và thầy Trần Phương, kỹ sư máy tàu. Sau đó bổ sung các thầy Hồ Xuân Trí, thầy Trần Đức Độ, thầy Nguyễn Văn Nhị, thầy Thời Liệu... Nhiệm vụ ban đầu của Bộ môn là xây dựng mục tiêu đào tạo và lập kế hoạch giảng dạy cho hai ngành học: Vỏ tàu thuỷ và Máy tàu thuỷ.  Bộ môn có nhiệm vụ theo dõi, quản lý học tập của các lớp Vỏ tàu và Máy tàu Khóa 3 thuộc khoa Cơ khí, Trường Đại học Giao thông Vận tải, là khóa đầu tiên trong nước đào tạo các kỹ sư ngành Cơ khí – Đóng tàu.
Sinh viên Khóa 3 nhập trường ngày 15/8/1962, gồm có 71 sinh viên, trong đó lớp Vỏ tàu có 27 sinh viên và lớp Máy tàu có 44 sinh viên. Năm 1966, 24 kỹ sư Vỏ tàu và 39 kỹ sư Máy tàu khóa 3 tốt nghiệp. Một số trong đó đã ở lại trường làm cán bộ giảng dạy như các thầy giáo: Nguyễn Bân, Hồ Trọng Tuy, Nguyễn Văn Phiêu, Thẩm Vũ Đức, Phạm Ngọc Vân, Trần Lê Bình, Nguyễn Phúc Liệu,... Nhiều người là tấm gương sáng cho các thế hệ sinh viên học tập. Từ năm 1966, sinh viên khoa Cơ khí vừa học vừa làm tại Lĩnh Nam, Thanh Trì, Hà Nội. Ngoài giờ học trên lớp, sinh viên xuống xưởng đóng và sửa chữa tàu Thanh Trì để thực hành và thực tập chuyên môn. Năm học 1966–1967 (Khóa 7), khoa Cơ khí bổ sung ngành học mới, là ngành Máy xếp dỡ, do thầy Nguyễn Văn Có làm chủ nhiệm bộ môn. Năm học 1967–1968 (Khóa 8), khoa Cơ khí bổ sung ngành học mới nữa là ngành Đóng tàu sông.
Năm 1968, Phân hiệu đại học Giao thông đường thủy và sau đó là trường đại học Giao thông đường thủy được thành lập, đóng tại Hải Phòng. Thời gian đầu, thầy Hồ Xuân Trí, Phó phân hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Cơ khí. Sau đó thầy Trần Đức Độ được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa với 4 ngành học: Vỏ tàu, Máy tàu, Máy xếp dỡ và Đóng tàu sông. Từ năm 1972, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Giao thông Đường thủy về đóng tại thôn Phương Lưu, Hải Phòng. Năm 1974 thầy TS. Nguyễn Văn Nhị được bổ nhiệm làm chủ nhiệm khoa. Từ năm 1978, chủ nhiệm khoa là thầy Nguyễn Bân và từ năm 1981 chủ nhiệm khoa là thầy PGS.TS. Lê Xuân Ôn. Thời kỳ này, sinh viên cùng giáo viên tham gia lao động sản xuất kết hợp ở nhiều nơi trong nước như đóng tàu tại Hà Bắc, Tuyên Quang, thành phố Hồ Chí Minh và đóng tàu tại trường. Nhiều đề tài NCKH đã được triển khai. Năm 1984 Trường Đại học Giao thông Đường thủy và Trường Đại học Hàng hải sáp nhập với nhau, thầy PGS.TS. Trương Sỹ Cáp được bổ nhiệm làm chủ nhiệm khoa. Từ năm 1991, chủ nhiệm khoa là thầy PGS.TS. Phạm Tiến Tỉnh. Từ năm 1996, chủ nhiệm khoa là thầy PGS.TS Nguyễn Vĩnh Phát. Năm 1999, khoa Cơ khí được đổi tên thành khoa Đóng tàu, cơ cấu tổ chức khoa không thay đổi. Từ năm 2005, chủ nhiệm khoa là thầy GS.TS Lê Viết Lượng. Đến năm 2009 hai bộ môn Vật liệu và Nguyên lý- chi tiết máy tách khỏi khoa. Đến năm 2010 khoa Đóng tàu chia thành khoa Cơ khí đóng tàu và khoa Thiết kế - công nghệ đóng tàu, đến năm 2012 hai khoa đổi tên là khoa Cơ khí và khoa Đóng tàu.   
Hiện nay khoa Cơ khí do GS.TS. Lê Viết Lượng làm chủ nhiệm, có 42 giảng viên và chuyên viên, bao gồm 1 GS, 1 PGS, 3 TS, 23 ThS, 11 KS, 3 giáo viên đang làm NCS ở nước ngoài, được biên chế vào 3 bộ môn: Bộ môn Động lực Diesel, Bộ môn Nhiệt động kỹ thuật,  Bộ môn Máy xếp dỡ. Khoa đang quản lý 900 sinh viên với 2 chuyên ngành đào tạo: Máy tàu thủy và Máy xếp dỡ. Khoa Đóng tàu do PGS.TS Lê Hồng Bang làm chủ nhiệm, có 45 giảng viên và chuyên viên, bao gồm 2 PGS., 1 TS., 18ThS, 25 KS,  2 giáo viên đang làm NCS ở nước ngoài, được biên chế vào 3 bộ môn: Bộ môn Lý thuyết thiết kế tàu, Bộ môn Kết cấu công trình nổi, Bộ môn Tự động hóa thiết kế tàu thủy. Hiện khoa quản lý 1264 sinh viên với 2 chuyên ngành đào tạo: Thiết kế tàu thủy, Đóng mới và sửa chữa tàu thủy.
Từ năm 1992, với sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ giáo viên, khoa Cơ khí – Đóng tàu bắt đầu đào tạo cao học 2 ngành: Thiết bị năng lượng tàu thủy, Đóng tàu thủy và từ năm 1995 bắt đầu đào tạo tiến sỹ cho 2 ngành này.
Tại khu vực phía Nam, sau khi giải phóng, trường đại học Giao thông đường thủy đã bắt đầu tổ chức đào tạo sinh viên ngành Vỏ tàu – Máy tàu hệ Tại chức. Lớp VT16, MT16TC khóa 1979-1986 với gần 40 sinh viên được đào tạo tại khu vực phía Nam. Đến năm 1997, khóa sinh viên chính quy đầu tiên với gần 100 sinh viên ngành Vỏ tàu thủy và ngành Máy xếp dỡ đã được tổ chức tại phân hiệu đại học Hàng hải. Đến năm 2001, trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM được thành lập, bộ môn Máy xếp dỡ được nâng cấp thành Khoa Cơ khí, bộ môn Đóng tàu nâng cấp thành Khoa Đóng tàu & công trình nổi.
Tính đến nay, sau 50 năm phát triển khoa Cơ khí – Đóng tàu đã đào tạo được hơn 8000 kỹ sư và hơn 300 thạc sĩ, tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực cho các cơ sở cơ khí đóng tàu và khai thác tàu của Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành khác. Trong số đó nhiều người đã trở thành các giáo sư, tiến sĩ phục vụ trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, nhiều người được bổ nhiệm là cán bộ cấp cao của đảng và nhà nước, cũng như lãnh đạo các tập đoàn, các công ty  trong lĩnh vực cơ khí đóng và khai thác tàu, nhiều người được đảng và nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quí như Anh hùng Lao động, Huân chương lao động, NGND, NGUT, chiến sĩ TĐTQ...
Trong những năm qua nhiều sinh viên của khoa tham gia NCKH, thi Olympic các môn học đạt kết quả cao:
▪ Đạt 8 giải nhất, 4 giải nhì, 2 giải ba cấp quốc gia sinh viên NCKH và 3 giải thưởng sáng tạo VIFOTEX.
▪ Đạt 1 giải xuất sắc; hơn 80 giải Nhất, Nhì, Ba giải Olympic toàn quốc về: Cơ học, Toán học, Sức bền vật liệu, Nguyên lý – chi tiết máy...
Trong quá trình phát triển và trưởng thành giáo viên khoa Cơ khí – Đóng tàu không chỉ làm công tác quản lý đào tạo mà còn viết giáo trình, NCKH, lao động khoa học. Thầy và trò  Khoa Cơ khí – Đóng tàu đã thực hiện 6 đề tài NCKH Cấp Nhà nước, 15 đề tài NCKH  cấp bộ cấp thành phố và nhiều đề tài nghiên cứu khác phục vụ cho công tác NCKH, đào tạo và phục vụ sản xuất.
Song song với công tác đào tạo, NCKH, thầy và trò khoa Cơ khí - Đóng tàu còn thực hiện lao động khoa học qua các hợp đồng thiết kế tàu và phương tiện nổi, các dịch vụ tư vấn khoa học kỹ thuật, các liên kết trong NCKH... Tính đến nay, Khoa đã thực hiện được khoảng gần 200 sản phẩm về thiết kế tàu, phương tiện nổi và thiết bị cơ khí như: tàu hàng, tàu dầu, tàu đánh bắt hải sản, tàu công trình, ụ nổi, phà, tàu kéo-đẩy, các loại máy nâng hạ,.... Đặc biệt giáo viên của khoa đã hoàn thành thiết kế tàu chở hàng 6500 tấn kết hợp huấn luyện thực tập cho trường ĐHHH và  hoàn thành thiết kế tàu chở dầu 5000 tấn cho công ty Hoàng Yến. Khoa cũng đã thực hiện nhiều hợp đồng về xây dựng quy trình công nghệ đóng tàu, sửa chữa và lắp ráp trang thiết bị hệ động lực tàu thuỷ. Thầy trò trong khoa đã đóng và tham gia đóng một số tàu vận tải cho các đơn vị sản xuất.
Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành với bề dày thành tích đã đạt được, các thế hệ thầy và trò Khoa Cơ khí – Đóng tàu đã vinh dự đón nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước, của Chính phủ, của các Bộ và Thành phố:
▪ 1 Huân chương lao động hạng nhất; ▪ 1 Huân chương lao động hạng nhì;
▪ 3 Huân chương lao động hạng ba; ▪ 5 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
▪ Nhiều Bằng khen của Bộ GTVT và UBND Thành phố Hải Phòng.
▪ Nhiều Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt nam và Liên đoàn lao động Thành phố Hải Phòng. ▪ Nhiều Bằng khen của Trung ương Đoàn và Thành đoàn HP.
▪ 1 Nhà giáo Nhân dân; ▪ 6 Nhà giáo Ưu tú; ▪ 1 Chiến sĩ thi đua toàn quốc….
 Một số hình ảnh của buổi lễ:


Một số tiết mục văn nghệ chào mừng

Toàn cảnh buổi lễ

PGS.TS Lương Công Nhớ- Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi Lễ

TS. CVCC. Nguyễn Văn Nhị - Nguyên chủ nhiệm Khoa Cơ khí, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông đường thủy phát biểu













Nguồn: http://www.vimaru.edu.vn/hoatdong/tin/1185

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

CẬU MÌNH

Mỗi khi nhớ về những ngày đi học tại Hải Phòng, nhớ về trường đại học đường thủy , mình lại nhớ nhiều về cậu Tuân , người đã rất vất vả, từ Hà Nội, xuống Hải Phòng mấy lần , để lấy lại giấy báo nhập học cho cháu
 Cậu mình người làng Quỳnh Đôi  , Nghệ An , con của ông Văn Đức Trành và bà Lê Thị Nghĩa.
Làng Quỳnh, ruộng đất ít, vì vậy từ lâu, đàn ông trong làng phải ra sức học tập, mới có nghề nghiệp, để mưu sinh , phụ nữ thạo nghề quay xa, kéo sợi , dệt vải, và làm hàng xáo , đi chợ Nồi, tần tảo thương chồng , nuôi con. Vì thế , làng quỳnh có nhiều người học hành đỗ đạt, đi làm việc nước
Ông ngoại Văn Đức Trành, là cháu cụ nghè Văn Đức Giai .  Những năm hai mươi, Ông học trường Bưởi, có tham gia tổ chức thanh niên cách mạng . Trên đường xuất dương để học tập theo yêu cầu của tổ chức, ông bị quân Pháp bắt ,và sau đó bị quản chế tại quê . Hết thời gian quản chế , ông đi học tiếp tại trường cao đẳng công chánh Đông Dương. Tốt nghiệp kỹ sư, ông làm việc trong ngành công chánh Đông Dương . Hồi đó nhửng người có bằng cấp làm việc chuyên môn cầu dường  , gọi là ông tham lục lộ . Ông tham lục lộ tên Trành , nên gọi là ông tham Trành
 Bà ngoại Lê Thị Nghĩa, là con của ông phó bảng Lê Xuân Mai , và bà Cao Thị Trâm, người lành Thịnh Mỹ,Phủ Diễn . Bà ngoại mình là cháu ngoại của cụ Cao Xuân Dục
 Ông bà ngoại mình có ba người con, mẹ mình là chị cả , kế đến là cậu Tuân, dì Hồng là con út  . Ông  làm ở sở công chánh Đông Dương, nên ông bà và gia đình có thời gian sinh sống tại Luông Pra Băng. Lương của ông đủ nuôi gia đình ,và còn gừi về quê giúp cho bà nội nuôi các o, các chú ăn học
  Nhưng thật là không may, bà Lê Thị Nghĩa mất sớm ,ông Văn Đức Trành , đành phải đưa các con còn nhỏ dại , về  lại quê hương , để nương nhờ bà con nội ngoại . Những năm tháng tuổi thơ của cậu Tuân , đi học ở trường làng , với những người bạn cùng trang lứa.  Người bạn thân thiết , hay cùng cậu đi bắt cá trên cánh đồng làng , sau này trong khàng chiến chống pháp trở thành người anh hùng đánh xe tăng trên đường số 6 .
 Cách mạng tháng tám thành công, cậu Tuân theo học cấp 2, tại quê, sau đó được tuyển vào học tại trường thiếu sinh quân liên khu 4, đóng tại Hương Sơn Hà Tĩnh.Tạm biệt bà con, chị và em gái , cậu đi bộ 3 ngày, vượt qua sông Lam , sông La, đến trường thiếu sinh quân , cùng bạn bè thi đua học tập, nâng cao kiến thức , rèn luyện sức khỏe, tư cách, đạo đức ,nhằm phục vụ cho nhân dân , đang trường kỳ kháng chiến chống quân Pháp xâm lược
 Để phục vụ kịp thời yêu cầu của cuộc kháng chiến đang có nhiều chuyển biến thắng lợi, trường thiếu sinh quân liên  khu 4, ngưng đào tạo . Một số học sinh của trường chuyển lên học tiếp tại trường Huỳnh Thúc Kháng, một số được cử sang khu học xá trung ương đóng tại Vân Nam, cậu Tuân , cùng phần lớn thiếu sinh  được chuyển về các đơn vị , để trở người chiến sĩ vệ quốc quân .
 Đường sá xa xôi, cách trở, yêu cầu của kháng chiến khẩn trương ,vì vậy cậu Tuân lên đường ra mặt trận , chưa kịp về thăm  quê hương , gia đình, sau mấy năm xa cách  .
Các chiến sĩ vệ quốc tuổi đời còn rất trẻ , ra mặt trận đánh giặc cứu nước, hẹn ngày trở về trong niềm vui thắng lợi  
 Cùng với đơn vị, cậu Tuân là bộ đội tình nguyện, sang giúp nhân dân Lào kháng chiến , chống kẻ thù chung là quân Pháp xâm lược.  Người chiến sĩ quân tình nguyện Văn Đức Tuân đã sống ,chiến đấu ở  nhiều nơi trên đất Lào, nhưng,  không thể trở lại Luông pra Băng , để viếng mộ người mẹ yêu qúi, vì lúc đó , kinh đô cũ của nước Lào, đang bị quân Pháp chiếm đóng .
 Chiến thắng Điện Biên Phủ, chấn động địa cầu, làm cho quân Pháp phải ký kết hiệp định Zơ ne vơ , Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Miền Nam bước vào một thời kỳ mới, để chuẩn bị tổng tuyển cử vào 20-7-1956 .
  Trong niềm vui chiến thằng, đơn vị của cậu vinh dự thay mặt quân tình nguyện về tiếp quản  thủ đô Hà Nội
  Nhân dân Hà Nội , đón mừng những người chiến sỉ đầu đội mũ nan,chân đi  dép lốp, giản dị, mà  , hùng dũng , bằng những bó hoa tươi thắm , nụ cười xinh tươi, lời ca dạt dào ... Hình ảnh đó đó , đẹp mãi cùng  thời gian
   Chín năm kháng chiến Cậu Tuân đã đi qua một chặng đường dài, từ một học sinh, trở thành người chiến sĩ quân đội nhân dân
 Trước mắt là hòa bình xây dựng, nhưng cũng có nhiều gian nan .vất vả đang chờ đón, thử thách người chiến sĩ trẻ
...
  
   
      
 

    .