Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

CÁI SỰ HÈN

  Người nông dân nghèo khổ
  Bán hàng rong trên phố
  Bị trật tự đô thị
  Đè đầu, còng hai tay
  Nhẫn nhục , miệng van xin
  Tôi không tội tình gì
  Người nông dân vô tội
  Vì nghèo đành chịu hèn

  Người trật tự đô thị
  Vì đồng lương công chức
  Mà đành lòng nặng tay
  Với người dân lương thiện
  Cũng là một loại hèn
  Vì giá áo túi cơm

   Đám đông người chứng kiến
   Giữa thanh thiên bạch nhật
   Một sự việc bất bình
   Mà không giám can ngăn
   Vì sợ bị liên lụy 
   Có khi phải lên đồn
   Mất thời gian, rách việc
   Thờ ơ trước đau khổ
   Của con người nghèo khổ
   Chỉ vì sợ vu vơ
   Cũng là cái sự hèn

   Bao nhiêu người có chức
   Bao nhiêu người có danh
   Mũ mão lại cân đai
   Vinh hoa rồi phú quí
   Mà thờ ơ hững hờ
   Trước nhân dân đau khổ
   Cũng là cái sự hèn
   Vì có danh là lợi

   Để người dân lương thiện
   Ngẩng cao đầu bước tới
   Để sự hèn không còn
   Cần có nền dân chủ
   Cần có sự nhân quyền 
    
   



 
  
 
  

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

THUỐC ĐẮNG GIÃ TẬT, SỰ THẬT MẤT LÒNG

Sự thật đang diễn ra
Luật sư Lê Hiếu Đằng
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng
Bác sĩ Nguyễn Đắc Diên
Lần lượt xin ra đảng

Còn ở trong xóm mình
Cũng có những sự  thật:

Vài người đã lớn tuổi
Tóc nhiều muối hơn tiêu
Nông dân cũng không phải
Cũng không là công nhân
 Nghề nghiệp không ổn định
 Nhưng tích cực phấn đấu
 Sau hai năm đối tượng
 Được vào đảng dự bị
 Rồi được làm dân phòng
 ...

 Thuốc Đắng thì giã tật
 Sự thật, thì đắng lòng

 Nhìn thẳng vào sự thật
 Là phương thức đúng nhất
 Tiếp cận đến chân lý 


 



 

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

THƯƠNG NGƯỜI DÂN NGHÈO TRỊNH XUÂN TÌNH

Quê nghèo đất chật, người đông
Mùa màng thất bát, anh đành ly hương
Vào Sài Gòn, lắm phố phường
Thuê nhà ở trọ, kiếm đường mưu sinh
Vợ đi giúp việc nhà giàu
Chồng đi bán dạo hàng bông cho người
Mồ hôi, công sức vợ chồng
Cần kiệm vun vén, lần hồi nuôi con
Quê hương, xa ngái ngoài kia
Song thân hai phía, cũng cần sẻ chia
Mong sao trọn đạo làm người
Nắng mưa không quản, miệt mài bán rong
 ...
Phận nghèo lại gặp tai ương
Dân phòng cậy thế, chặn đường đánh anh 
Một mình anh, thế cô đơn
Mình mảy bầm dập, anh đành chịu thua
Đưa tay cho chúng tra còng...

Người dân thấy cảnh bất bình
Cùng chung tay, chặn bạo tàn giúp anh
Đưa vào cấp cứu nhà thương
Giúp anh bình phục, để còn nuôi con


Tạm thời tai nạn đã qua,
Anh không oán trách, không hề kêu oan
Chỉ mong nhận lại cái xe
Để còn phương tiện lần hồi mưu sinh 

Biết được câu chuyện của anh
Xót xa vô hạn, khắc ghi mấy dòng
Đã phá cái thói bạo tàn
Mang danh công quyền, đàn áp nhân dân

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

TRƯỜNG CẤP II QUỲNH LƯU

Cuối những năm 50, thế kỷ trước, Trường cấp II huyện Quỳnh Luu, đóng tại trị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, toàn tỉnh Nghệ An, có một trường cấp III mang tên Hùynh Thúc Kháng, và mỗi huyện, có một trương cấp II. Nghệ An, lúc đó là vùng tự do, hoàn toàn do chính quyền của nhà nước Việt Nam dân chủ cọng hòa quản lý, đời sống, khó khăn, thiếu thốn , nhưng sự nghiệp giáo dục, phát triển vượt bậc, để cùng với nhân dân, đóng góp nhân lực có kiến thức,phục vu cho công cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp,
 Trường cấp II Quỳnh Lưu thành lập từ những ngày đầu của công cuộc kháng chiến. Nhà trường sơ tán về vùng nông thôn, ví lúc đó các trị trấn và thị xã trong vùng tự do liên khu 4, đền tiêu thổ kháng chiến
 Kháng chiến 9 năm thắng lợi, hòa bình lập lại, từ vùng sơ tán, trường dời về thị trấn cầu Giát.
Thị trấn cầu Giát, là huyện lỵ của huyện Quỳnh Lưu, nằm dọc trên con đường quốc lộ số 1, với chiều dài hơn 1 cây số, cách Hà Nội khoảng 270 km. Trung tâm thị trấn có 1 ngã tư, là giao cắt giữa đường quốc lộ số1, và đường tỉnh lộ, nối vùng phía đông, lên phía tây và huyện Nghĩa Đàn.
Phố huyện Cầu Giát, hai bên đường có nhiều cây vông, lá xanh rì, thân cây xù xì với nhiều gai nhọn, dọc theo phố có nhiều cửa hàng, mà chủ nhân phần nhiều là người từ vùng liên khu III,và Bình Trị Thiên sơ tán, khỏi sự chiếm đóng của Pháp, về sinh sống tại vủng tự do. Phía nam thị trấn có cây cầu có tên gọi là Cầu Giát,  bắc qua con sông Giát. Phía đông thị trấn trên con đường xuống xã Quỳnh Bá, và các xã ven biển phía đông nam của huyện,có một chợ phiên, có tên gọi là chợ Giát .
 Trường cấp II đóng trên phần tây bắc của ngã tư trung tâm thị trấn,cổng trường phía đông thông ra quốc lộ số 1, cổng trường phía nam thông ra đường tỉnh lộ . Nhà trường có các dãy lớp học, mái lợp rạ ,tường đất trộn rơm, quét vôi trắng, có một căn nhà xây gạch , mái ngói, dùng làm văn phòng.
Trong khu trường có khu ở của giáo viên , cũng là mái rơm, vách đất liền nhau.
 Lúc đó trong khu tập thể, có nhà bác Động,và nhà mình
 Bác Động là người Hà Nội, vào Nghệ An đi dạy khi hòa bình lập lại. Ba mình công tác ở trường từ khi mới thành lập trong kháng chiến chống Pháp, theo sự phân công của chính quyền hành chính kháng chiến.
Ba mình đang học năm cuối  tại trường quốc học Vinh, thì cách mạng tháng 8, bùng nổ. Cũng như bao thanh niên học sinh lúc đó, ba mình tham gia dành chính quyền về tay nhân dân, rồi gia nhập vệ quốc quân, kháng chiến chống Pháp, Năm 1947, theo sự phân công, ba mình chuyển sang công tác giáo dục, là giáo viên dạy toán, hiệu trưởng TRƯỜNG CẤP II QUỲNH LƯU.
 Những năm kháng chiến chống pháp , học sinh tốt nghiệp cấp 2, tại Trường cấp 2 Quỳnh Luu, một số tiếp tục học lên cấp III, tại Trường Cấp III Huỳnh Thúc Kháng, một số đi ra Việt Bắc học sư phạm tại khu học xá Nam Ninh, có người tham gia quân đội, có người về địa phương công tác.
 Trong khu tập thể nhà trường, mình còn nhớ , có chú Mưu,cũng là người Hà Nội. Chú ở luôn trong nhà văn phòng, để sử dụng cái radio to đùng, dùng chung cho toàn trường, mỗi khi muốn nó phát ra tiếng, phải thắp sáng một cây đèn, cũng to đùng và nóng ran. trong phòng của chú còn có một cây đàn gió màu đỏ, có hàng chữ màu vàng rất đẹp ở phía trên, một bên có nhiều phím máu trắng, và một bên có những nút tròn màu đen. Cây đàn có 2 quai để mang lên vai, và có 2 quai để lồng tay vào để kéo đàn .Những ngày chủ nhật, chú Mưu hay ngồi trên cái ghế đẩu, Ôm đàn , nhìn ra sân trường, kéo đàn , âm thanh phát ra du dương. Lúc đó radio, và đàn rất là hiếm. Mình rất thích lên phòng của chú Mưu, để thấy cái đèn sáng, nóng hừng,và nghe đài . Một thời gian sau , mình không thấy chú Mưu nữa, sau này nghe ba mình nói là chú Mưu về Hà nội đi học đại học sư phạm, học xong, chú ở lại trưởng làm giáo viên đại học
 Gia đình bác Động có con gái đầu là chị Nga, lớn hơn mình mấy tuổi, con trai bác bằng tuổi mình. Bác Động là gíáo viên, từ Hà Nội , tăng cường có  thời hạn cho Nghệ An. Hết thời hạn, bác và gia dình trở về Hà Nội. Nhà bác nằm trên đường Nam Bộ, ngay gần ga Hàng Cỏ, ba có đưa mình lên thăm Bác Động một lần , lúc chưa có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Chị Nga, con bác Động sau này cũng là giáo viên đại học sư phạm, hai người con trai của bác Động , không may,vì sức khỏe kém
 Lúc ở trong khu tập thể nhà trường, mình đi học mẫu giáo trong xóm Quỳnh Mỹ, thấy các anh chị thanh niên hay tập múa sạp trên sân một nhà ngói to trong xóm. Lúc đó, họ hay hát : giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về... Mình học mẫu giáo cũng được tập hát,đến giờ chỉ nhớ mỗĩ câu : em có đôi nơ trắng trắng, gài trên mái tóc xanh xanh...
 Ba mình cũng hay dẫn mình ra  phố huyện Cầu Giát . Mỗi lần ra phố,thế nào cũng được ăn xôi, ăn kẹo
 Ba mình có ra Hà Nội đi học tại trường chính trị ( không nhớ tên chính xác). Lúc đó mình theo ba ra Hà Nội . Lúc đầu, theo đường số 1,đi ô tô, qua phà Ghép, phà Hàm Rồng, ngủ lại một đêm tại nhà ga Hàm Rồng , sáng hôm sau lên tàu lửa, chạy suốt từ sáng, đến chiều thì tới ga Hàng Cỏ, nhà to, người  đi nhộn nhịp. Từ đó đi tàu điện màu đỏ có tiếng chuông len keng, lên Hà Đông, đi bộ một quãng , thì đến nhà trường chính trị nơi ba mình học. Nhà trường có nhiều dãy nhà tầng, to , nhiều người ở trong các nhà , và cùng ăn trong một nhà, rộng
 Ba mình học xong, thì được điều về Trường cấp III Diễn Châu,mới thành lập,cùng lúc với trường cấp III Đô Lương. Lúc đó cả tỉnh Nghệ An mới có 3 trường cấp III. Bác Nguyễn Nghĩa Nguyên người Diễn Minh làm hiệu trưởng nhà trường, Bác Phạm Nhưỡng người Vinh,và ba mình là hiệu phó
Bác Cù Khắc Lượng thay ba mình làm hiệu trưởng Trường cấp II, Quỳnh Lưu. Mấy năm sau, thành lập Trường cấp III Quỳnh Lưu, bác Lượng là hiệu trưởng đầu tiên .
  Mình thực sự cảm động , khi nghe chú Đinh Văn Thông- nguyên hiệu trưởng trường phổ thông năng khiếu mang tên Phan Bội Châu,Nghệ Tĩnh, kể lại câu chuyện: ba mình đã kiên quyết bảo vệ thầy TTT giáo viên Trường cấp II Quỳnh Lưu, không cho du kích địa phương bắt đi giam, trong thời gian đoạn phát động đấu tranh chính trị đầy nghiệt ngã, mà rất nhiều người bị oan sai. Người giáo viên đó sau này là tiến sĩ toán dạy đại học sư phạm Hà Nội. Lúc Đó chú Thông là một học sinh nghèo,  học giỏi. Tốt nghiệp phổ thông cấp II, chú được cử đi học sư phạm ở khu học xá Nam Ninh. Về nước, chú liên tục công tác trong ngành giáo dục tỉnh Nghệ An, cho tới ngày vể hưu. Chú là giáo viên dạy toán gỉỏi, nhà giáo ưu tú. Con gái đầu của chú, Đinh Thị Lệ Thanh, hiện là phó chủ tịch tỉnh Nghệ An , con trai thứ, Đinh Văn Dũng là tiến sĩ  khoa học, công tác tại Hà Nội





















           

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

HỌP LỚP VỎ 14

  Lớp vò tàu k14, họp mặt tại Hải phòng, để kỷ niệm 40 năm ngày vào Đại học giao thông đường thủy Hải Phòng.
 Lần này, có một số anh, các bạn vì nhiều lý do, đã không có mặt, nên cũng nhiều nhớ nhung.
 Các bạn trong lớp đã chụp chung nhiều tấm hình, để làm kỷ niệm. Mình nhớ các bạn không có mặt, ghi lại vài dòng, để nhớ
        Những bạn không về họp
        Phải ghi lại để nhớ
        
    Lớp phó Đặng Phúc Thắng
    Là dân Hà Nội xưa
    Phổ thông học rất gỉỏi
    Thi vào tổng hợp toán
    Điểm thi cao thứ nhì
    Nhưng không được vào học
    Mà đi làm công nhân
    Xếp hàng ga Bắc Giang
    Trong tầm bom rải thảm
    Xong việc, lại đi thi
    Điểm lại cao nhất khóa
    Ngày trẻ thì vất vả
    Bây giờ, lại bận việc
    Thiết kế tàu cao tốc
    Dùng vào nhiều công việc
    Chở khách, và tuần tra
    Hoa tiêu, và kiểm ngư
        ... 
    Nên phải đi nhiều nơi
    Vừa rồi lại cùng đoàn   
    Đi Châu Âu, hội nghị
    Từ xa, gọi điện về
    Giọng nói đầy xúc động
    Chắc là trời đang lạnh
    Thương bạn quá, Thắng ơi 

    Đoàn Văn Hồng, Tiên Lãng
    Bận việc của công ty
    Đóng tàu bên Sông Hậu 
    Mua vé rồi đành bỏ
    Tiền thì không tiếc lắm
    Chỉ tiếc không được vui
    Cùng bạn bè thầy cô

    Nguyễn Văn Khương Thái Thụy
    Đi nhận con phà mới
    Đành lỗi hẹn bạn bè
    Gọi điện cho tất cả
    Giọng buồn như muốn khóc

    Nguyễn Đức Nam, Bình Lục
    Bị ốm nặng chưa khỏi
    Nên lỗi hẹn lần này  
    Mong bạn mau lành bệnh
    Hẹn gặp tại Sài Gòn

    Bùi Văn Kế Việt Trì
    Về hưu , nhưng lại bận
    Việc con , rồi việc cháu
    Thôi thì đành thông cảm
    Vì đã lên chức ông
   
    Lê Xuân Khâm Tĩnh Gia
    Nguyễn Văn Quyết Sầm Sơn
    Không hiểu lý do gì
    Mà không ra họp lớp
    Hay là đang bận việc
    Họp bàn cùng ngư dân
    Bám biển đánh nhiều cá
    Và giữa vững chủ quyền
    Đảo Hòn Mê lộng gió
    Đôi bạn cùng Thanh Hóa
    Ngày xưa cùng học giỏi
    Bây giờ mắc bệnh lười
    Không chữa thành mãn tính
    Tình bạn sẽ không vui 

    Trần Hữu Chiến Thái Bình
    Cựu thanh niên xung phong
    Hay làm thơ, viết  văn
    Bây giờ làm đăng kiểm
    Phó trưởng phòng tàu sông
    Sao lại quên bạn bè
    Đóng tàu sông cũng giỏi
    Đóng tàu biển cũng cừ 
    Không đi họp lần này
    Lý do, khó giải thích

    Cô Kim Chương người Vinh
    Tính tình thì vui vẻ
    Miệng lúc nào cũng cười
    Đi học nhuận vài năm
    Ra đời làm ăn giỏi
    Nghe tin nàng đi Tây
    Hình như là ở Pháp
    Sống cùng hai đứa con
    Một trai và một gái
    Cùng chung một ngày sinh
    Bạn vui cùng con cháu
    Cùng tự do Châu Âu
    Thôi thì ta thông cảm
    Khi nào bạn trở về
    Chắc là sẽ có quà
    Rượi vang Pháp tuyệt hảo
    Lần này vắng Kim Chương
    Tiếng cười như nhỏ lại 

    Còn anh Vũ Xuân Hãn
    Quê gốc ở Thái Bình
    Ra Hải Phòng sinh sống
    Đi bộ đội Trường Sơn
    Lái xe zin ba cầu
    Xuất ngũ về di học
    Rồi lại ra Trường Sa
    Xây dựng đèn gác biển
    Đến tuổi được sổ hưu 
    Theo con lên Hà Nội
    Họp lớp không về được
    Gọi điện báo  lý do
    Cháu ốm , ông xin nghỉ
    Rất chi là hợp lý
    Cho phép đúng lần này
    Thông cảm cựu chiền binh

   Bạn nữa là Trương Tỵ
   Quê Hộ Độ,Thạch Hà
   Chánh thanh tra nghỉ hưu
   Sức khỏe không được tốt
   Vợ trẻ, và con nhỏ
   Xin bạn bè thông cảm
   Sẽ ngâm thêm rượu thuốc
   Uống nhiều lên gân cốt
   Hẹn bạn thì tương lai

  Nhớ thêm Nguyễn Đăng Chính
  Người Thủy Nguyên, Hải phòng
  Hải quân chức Đại Úy
  Nghỉ Hưu tại Sài Gòn
  Lý do rất là thật
  Đang lo tiền xây nhà
  Vì vậy, xin các bạn
  Rất chi là thông cảm
  Căn bệnh thiếu nhiều tiền
  Ở Đời ai cũng gặp

  Còn anh Phạm Đức Đạt
  Nhà ở gần chợ sắt
  Dáng người như nghệ sỹ
  Chăm học đứng nhất lớp
  Thi chính trị cuối khóa
  Về làm chủ tập thể
  Đạt điểm mười đỏ chót
  Thế mà ba năm sau
   Dũng cảm ,anh ra di
  Vượt biển tới Hồng Công
  Bằng tàu cá vỏ gỗ
  Được định cư ở Mỹ
  Quốc gia nhiều dân chủ
   ...
  Có về thăm quê hương
  Nhưng chưa được họp lớp
  Anh ngày xưa đẹp trai
  Học hành cũng rất giỏi
  Đi đại học cũng muộn
  Vì chủ nghĩa lý lịch
  Bởi vì  anh chăm học
  Chuyện tình cảm bị quên
  Nên bây giờ ở Mỹ
  Anh vẫn sống một mình
  Mọi người vẫn nhắc anh
  Một tấm gương chăm học


  Nhắc lại tên các bạn
  Để nhớ mãi lớp mình
  Vỏ tàu khóa mười bốn
  Đại học giao thông thủy
  Phương Lưu, cạnh Cầu Tre
  Hải Phòng thành phố cảng
  Thân thương suốt cuộc đời
                                                                          18/11/2013
 
    
  Trường đại học giao thông đường thủy Hải Phòng, ra đời trong chiến tranh chống Mỹ, trong đó có khoa hàng hải đào tạo các kỹ sư vận hành tàu biển . Sau này Trường đại học giao thông đường thủy bị sát nhập vào Trường đại học hàng hải. Thật là buồn
 Vì vậy các học sinh cũ của trường đường thủy, về Hải Phòng họp lớp, đều tự tổ chức ngoài phố 
       
   
   

   
     
     

 
    
     

        
 

 
                    

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

NHỚ MÃI NHỮNG BÀI CA CỦA ĐẤT NƯỚC XÔ VIẾT

 Ngày này cách đây 96 năm, chế độ Xô Viết được thành lập trên đất nước Nga, và sau đó phát triển thành Liên bang cọng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết.
Tổ quốc Xô Viết của nhiều dân tộc, không còn tồn tại, song những điều tốt đẹp mà nhân dân Xô Viết đã tạo ra, thì vẫn còn mãi với gian, đó là nền khoa học, kỹ thuật phát triển,văn học, nghệ thuật đại chúng, hiện đại. Và còn rất nhiều điều tốt đẹp, mà nhiều người dân trên thế giới ghi nhận
 Nhớ mãi những bài ca vang lên từ đất nước Xô Viết rộng lớn, thiên nhiên tươi đẹp


Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

XÚC ĐỘNG

 Trời Hà Nội hôm nay mây ngừng bay
 Gió ngừng thổi và dòng người im lặng
 Lệ tuôn trào , kính cấn tiễn đưa
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp , trở về đất mẹ
 Dưới đèo Ngang, Vũng Chùa xanh thẳm

 Hà Nội xưa, người vui, hoa thắm đón chào
 Đại tướng dẫn đầu đoàn vệ quốc quân
 Hà Nội hôm nay, kính cẩn nghiêng mình
 Tiễn đưa Đại tướng Anh Hùng, của nhân dân bất tử    

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

RẤT MONG

Do nhiều nguyên nhân: chủ quan có, khách quan có , nên nhiều năm trước đây, người công giáo Nghệ An, ít người học lên đến đại học.
Anh Lê Quốc Quân, là trí thức công giáo người Nghệ An, đó là biểu hiện của sự nỗ lực, vươn lên trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong những năm gần đây của người công giáo xứ Nghệ, theo phương châm tốt đạo, đẹp đời
Mình là người dân xứ Nghệ, không theo tôn giáo nào , nhưng rất quí trọng sự dấn thân của luật sư Lê Quốc Quân .
Rất mong : luật sư Lê Quốc Quân được tự do

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

KHÔNG NÊN NHƯ THẾ

Đọc báo mạng  BBC thấy có tin :
"Tin cho hay đã xẩy ra xô xát gây thương vong giữa công an và giáo dân trước trụ sở UBND xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An."
Thực sự là buồn.
Nhiều năm rồi, không có dịp để về thăm Nghệ An, nơi mình đã sống từ nhỏ , đi học hết cấp 3.
 Mình đi học vỡ lòng , tại thị xã Vinh, lớp  học trên con phố gần nhà thờ Cầu Rầm, vì vậy, ngày 2 lần ,mình đi ngang qua nhà thờ . Có lúc tò mò muốn vào nhà thờ xem người đi lễ, nhưng sợ, không giám
Học được một thời gian, mình lại về Diễn Châu, học tiếp học kỳ 2, lớp vỡ lòng tại trường cấp 1, xã Diễn Thành .
 Cuối năm mình học lớp 2, chiến tranh phá hoại bắt đầu ác liệt, nhà mình sơ tán vào làng Tân Đoài, mình tiếp tục đi học tại Diễn Thành. Vào học lúc 6 giờ sáng, để tránh giờ cao điểm buổi trưa, thường có máy bay đánh phá cầu Bùng. Phải dậy từ 5 giờ, trên đường đi học  đi ngang qua  nhà thờ Tân Minh, ngay bên đường. Lúc đó chưa ai thức dậy, xóm làng yên ắng, đường qua nhà thờ mờ mờ tối , vừa đi vừa sợ ma   
 Đầu năm lớp 3, mình học ở trường cấp 1, Diễn Tân, lớp học sơ tán về bên cạnh nhà thờ giáo xứ Phú Linh
 Sang học kỳ II lớp 3, nhà mình sơ tán về ở trong xóm họ đạo Trung Song, xã Diễn Thịnh. Mình đi học tiếp lớp 3, tại trường cấp 1, Diễn Thịnh .Cùng lớp với mình , có nhiều bạn là giáo dân. Các bạn ngày thường đi học , chủ nhật còn đi lễ nhà thờ, ngoài học văn hóa, các bạn còn học kinh, bổn. Thỉnh thoảng mình cũng xem qua các sách bổn. Thấy trong đó nhiều lời khuyên nhủ, đạo đức.
Rồi học lên cấp 2, cấp 3, mình có nhiều bạn cùng lớp là giáo dân họ đạo Trung Song 
 Có nhiều thời gian sống và đi học với các bạn là giáo dân xứ  Nghệ, vì vậy, mình có nhiều quan tâm đến bà con công giáo Nghệ An
 Mình được biết :
  Họ đạo Trung Song, bây giờ đã lên giáo xứ,  nhà thờ đã xây lại, đẹp hơn trước. Bà con giáo dân ở giáo xứ Trung Song bây giờ, nhiều người là doanh nhân làm ăn tấn tới, có công ty kinh doanh tại Hà Nội, và thành phố Hồ Chí Minh.
 Bà con giáo dân ở Nghệ An, đã có cuộc sống tốt hơn cả về đạo và đời    
 Bây giờ ở trong xã Diễn Thịnh đã có nhiều thanh niên nam nữ, lương giáo kết hôn với nhau. Điều đó, chứng tỏ có sự đoàn kết hơn giữa bà con lương giáo
Mừng rất nhiều, nhưng cũng rất buồn khi, đọc được dòng tin trên
Mình nghĩ : điều đó xẩy ra là không nên.  Trong giai đoạn, rất khó khăn về kinh tế, và nhiều mặt khác của xã hội, thì cần sự bĩnh tĩnh của những người lãnh đạo các cấp, và cần sự đoàn kết, không phân biệt tôn giáo, chính kiến !
 ...

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

AI CŨNG THẤY MÌNH CÓ LÝ

Vừa rồi đọc các bài báo, đăng tin về lương giám đốc tại 4 công ty hoạt động trong ngành công chánh tại thành phố Hồ Chí Minh, mình  thấy hình như ai cũng có lý
- Ông giám đốc tự trả lương cao cho mình,có phát biểu, đại ý : họ xứng đáng nhận lương cao vì công ty do họ quản lý làm ra nhiều lợi nhận là do lãnh đạo giỏi.
Mình nghĩ: sẽ là hợp lý hơn, khi họ trả lương cho mọi người trong công ty theo các qui chế về lương, mà các cơ quan quan lý đã ban hành
- Các công nhân trực tiếp sản xuất của công ty thoát nước, nhận lương thấp hơn rất nhiều so với lảnh đạo công ty, họ thấy có lý, vì : bây giờ mà có việc và có lương là may phúc lắm rồi. Hiện nay rất nhiều người đang thất nghiệp, trong đó rất nhiều kỹ sư, cử nhân…
Mình nghĩ: sẽ là hợp lý hơn, khi công nhân, được thật sự dân chủ, phát biểu ý kiến cá nhân, để góp ý xây dựng cho công ty nơi họ làm việc, và cho đất nước
Chính vì người có chức quyền luôn nghĩ mình là đúng, còn người dân thì an phận, không dám nói thẳng suy nghĩ của mình, nên lâu nay, tồn tại quá nhiều nghịch lý, mà một trong số nghịch lý là lương giám đốc công ty có qui mô nhỏ, lại cao hơn lương thủ tướng, và cao gấp mấy chục lần lương công nhân lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm.
Nếu các bất hợp lý như trên còn kéo dài, thì đất nước sẽ không phát triền, nhân dân không hạnh phúc, xã hội không văn minh. 

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

PHƯỜNG THAM NHŨNG

     Lợi dụng thời buổi nhiễu nhương
     Nhiều kẻ cơ hội, trở thành đảng viên
     Mua được chức, kiếm được quyền
     Mạnh tay tham nhũng, để mà giàu sang

     Vinh thân, còn muốn phì gia
     Sắp xếp con cháu, ghế này cửa kia
     Kết bè kết cánh cùng nhau
     Tạo quyền, tạo thế,  tham ô lâu dài
     
     Ai nghèo, ai khổ mặc ai
     Những kẻ tham nhũng chẳng hề xót xa
    
     ...
     Mấy lời chân thật nôm na
     góp phần phê phán thói đời xấu xa  
     Mong sao thế sự can qua
     Quét phường tham nhũng ra ngoài đống rơm
     
    
     
     

     
     
    

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

LỰA CHỌN- THÁNG 8

            Đồng biến 1 
Cấm đoán càng nhiều
Thì nhiều giả dối
Nhiều kẻ lộng quyền
Nhiều điều bất công
Nhiều quan tham nhũng
Nhiều điều oan trái
   ...
        Đồng biến 2
Có nhiều dân chủ
Sẽ nhiều sự thật
Nhiều ý tưởng hay
Nhiều niềm tin tưởng
Nhiều tình thương yêu
Nhiều điều hòa giải
Nhiều người chung sức
Xây dựng xã hội dân chủ, văn minh
   Là người dân, sống bằng thành quả của  lao động, tôi chọn đồng biến 2
   


 

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN

                             Hiên ngang trong tà áo trắng
                             Bình thản nói lời cuối cùng
                             Em nói : rằng mình yêu nước
                             Tù tội, em chấp nhận thôi
                             Xin đừng ai phiền cha, mẹ
                             Lời em , thổn thức bao người

                             Mong em được nhiều sức khỏe
                             Vượt qua tù tội, khổ đau...
                             Con thuyền vượt qua giông bão
                             Biển yên, rạng sáng chân trời     

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

ĐI MÔ RỒI CŨNG NHỚ


LÁ LẰNG, MỘT MÓN ĐẶC SẢN XỨ NGHỆ
alt           alt
Cây lá lằng, thuộc họ ngũ gia bì
   Người dân  Xứ Nghệ ai mấy ai mà không biết món canh lá Lằng, nhất là dân huyện Quỳnh Lưu, món ăn từng được nếm từ thửa lọt lòng. Đến giờ, lá lằng đã thành món đặc sản Xứ Nghệ, và có mặt khắp nơi trong nước và cả trên thế giới. Cứ ở đâu có dân Nghệ, ở đó có lá Lằng.
   Ngày xưa ấy, người dân Quỳnh Lưu lên rừng hái củi, chặt hom tranh, chặt lạt giang... thế nào cũng kèm theo vài bó lá lằng đem về dùng. Nhiều người còn cất công đi mất đôi ngày để hái được một gánh lá lằng, về  nhà chọn lưa, thái nhỏ phơi khô, đem đi chợ bán lấy tiền mua khoai, mua gạo nuôi con ăn học. Nó là món cứu đói đấy!
    Lá lằng mọc nhiều ở rừng, nhưng người miền rừng ngày trước lại không biết dùng, thế cũng hơi lạ, chắc trên rừng có nhiều loại cây trái ngon hơn.
    Cái thời chẳng biết mì chính, bột ngọt là gì, thế mà nhờ món canh lá lằng, cho dù cơm độn đến 90%  rau và khoai sắn... cứ nuốt ào ào đến căng rốn!  Ngày ấy, đứt bữa là chuyện bình thường, cứ luộc nồi khoai, một nồi canh lá lằng, kèm cà muối, ngon như bây giờ  ăn cỗ! Còn nhớ, hồi năm sáu mấy, trên bom dưới đạn, được phân phối cám ngô đầy con mọt để cứu đói, nếu không có canh lá lằng chắc nuốt vào, khó mà ra! Bây giờ, lớn lên, già đi mà thấy da thịt đẹp, chắc, có lẽ nhờ món ăn sạch tuyệt đối này cũng nên.
    Món lá lằng Xứ Nghệ đắng lắm, nhưng hậu có vị ngọt, tính mát, nghe nói  chữa được khá nhiều bệnh! Mùa hè oi ả, nồng nực là thế, gió lào quất rát khô đến hốc người, ăn lá lằng chẳng có chút rôm sảy nào. Món này, thách đố nơi nào có, và đố ai dịch được ra tiếng ngoại quốc danh từ “lá lằng”, dân Nghệ sẻ phong cho "Giáo sư danh dự Xứ Nghệ”!(?)
      Thời nay, người ta nhân giống, chiết cành, thậm chí còn trở thành cây cảnh; làng nào cũng có cây lá lằng, nhưng thú thực, ăn không được ngon lắm. Lại có một loại “lá chân chim”, na ná vị lá lằng, nhưng ăn thì cảm giác the the đầu lưỡi, khe khé cổ họng; Còn lá lằng thì tiền hậu vị đều ngọt ngọt, chat chát từ đầu đến cuống lưỡi. Nhiều người thường hay lầm lẫn và khó phân biệt ra điều ấy.
   Cây lá lằng cũng như cây chân chim, thân gỗ, cao cỡ chừng ba bốn mét, mọc chen lấn, tán thấp trong rừng, dọc triền dốc và gần bờ khe, con suối. Loại này ít mọc tập trung, lại chen lấn vào chốn rậm rạp, nên tìm được nó không phải dễ. Kinh nghiệm người dân, cứ theo dấu chân con nhím là ắt tìm thấy cây lá lằng. Hình như nhím ăn rễ cây lá lằng thì phải. Hai loại cây lá lằng và chân chim đều có cành tỏa xòe thành tán, lá kép, mọc đối. Riêng lá lằng, thân lá có năm bảy khía, một cánh có năm lá chính và hai lá phụ. Cuối khía trên thân lá nó hơi nhú ra như muốn tạo gai, lá chân chim thì bầu và trơn hơn. Lá lằng màu xanh thẩm, lá chân chim hơi phớt vàng. Mùa tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, cây lá lằng cho lá nhiều và ngon nhất.
   Lá lằng hái về, thái sợi nhỏ, phơi thật khô, bỏ vào hũ sành, nút kín bằng lá chuối khô, dùng quanh năm. Mội nồi canh vài lít nước, chỉ cần bỏ gần một nắm tay là vừa, nhớ là bỏ vào lúc canh sôi, nhấc xuống và dùng ngay, ăn nóng, nó mới có vị đắng đắng, ngọt ngọt như ta nhâm nhi chè búp, nên rất ngon. Nếu làm món xào với lòng lợn, với các món khác, cũng nhớ cho lá vào khi món xào đã chín và nhấc xuống ngay.
   Lá lằng nấu canh tép đồng tươi là hạp nhất. Nếu không, có thể thay bằng cá nướng, nhất là cá trích đã qua kho mặn hoặc khuyếc biển cũng ngon. Nhưng phải có lưng bát cà ngô kiu(một dạng cà chua trái nhỏ , tròn- nhiều người nghe thấy lạ) tròn lẵn, mọng đỏ cỡ bằng đầu ngón tay mới đúng vị; Nếu không thì nấu với cà chua bình thường cũng được, tuy không ngon bằng cà ngô kiu. Món này, là món đặc sản của thời nay , nhưng với “dân choa” thì nó là “thường thôi”!
    Ngày nay, buổi cơm trắng gạo thơm, người ta “biến tấu” ra các món ăn từ lá lằng, nào xào với gan bò, xào với lòng heo ăn kèm bánh khô vừng… Chu cha, rượu mô mà cho thấu!
   Bây giờ, đến bất cứ dân Nghệ nào dẫu ở Nam hay Bắc, nhất là "Nghệ Kiều" xứ Sài Gòn, hỏi có lá lằng không, xin thưa có ngay. "Nghệ Kiều" về quê, hay khách đến thăm đều "ọt"(gói) lá lằng đem theo để ăn và làm quà. Mấy nhà hàng do "Nghệ Kiều" làm chủ, bao giờ cũng có món lá lằng trên thực đơn. Kể cả nhà hàng "Kyan", của nhà thơ Đỗ Trung Quân, to chà bá ở gần trung tâm Sài Gòn, chẳng dính dáng chi đến Nghệ, mà thực đơn cũng có: "Lá lằng các kiểu" tùy theo thời giá. Có quán cháo lươn Chương Mập, người Thành Phố Vinh, nổi tiếng ở Gò Vấp, còn sáng tạo ra món "trứng gà so đảo lá lằng", "thịt trâu um lá lằng", "lươn hầm lá lằng" ngon đến là ngon.
   Đặc biệt, canh lá lằng, chan với cơm, ăn với cà muối, cá biển hoặc thịt lợn nạc kho mặn, thôi thì thóc gạo lên giá là phải.
   Ngày xưa, nghe nói chỉ dân huyện Quỳnh Lưu mới biết dùng lá lằng, bây giờ thì cả…thế giới biết đến rồi(?) Ở đâu có dân Nghệ thì ở đó khắc có lá lằng. Mấy đứa bạn bên Châu Âu, châu Mỹ … cứ rèo réo: Bên này chỉ thiếu lá lằng, thế là tôi thành nhà trung chuyển từ quê sang cho chúng nó.Thế mới là siêu phàm đấy. Dân Nghệ ở hải ngoại anh nào nhận được gói lá lằng khô thì cả cộng đồng đều biết, vì được biếu lại cho một tí để thưởng thức. Món này gửi qua bên đó, phải thật công khai và mẹo vặt một chút, không thì Hải quan nước ngoài tưởng là cần sa, và sẻ có vấn đề ngay. Ai muốn hỏi kinh nghiệm về việc này, tôi xin chỉ dẫn, miễn phí!
   Chắc đến một thời kỳ nào đó, lá lằng trở thành "Quốc thực" chớ phải chơi!
   Lá lằng còn là vị thuốc chữa say rượu, mát gan, bổ thận, nhuận trường... chữa gãy xương, chữa bỏng nữa cơ đấy.
  Lá lằng đã vào thơ, vào ca, vào nỗi nhớ quê của người Nghệ xa xứ. Nó đã đi vào tiềm thức của người Xứ Nghệ. Nó đã thành đặc sản của chúng ta.
MÓN BÚN - GIÁ - CÁ - RUỐC:
   Ở xứ Nam Bộ, con cá trích, cá thửng (cá mối)lâu nay người ta không màng tới. Nhưng từ ngày dân Nghệ vào cư ngụ đến nay, nó lại thành  món ngon hấp dẫn. Khắp các chợ Sài gòn đều có quán cá trích, cá thửng nướng. Cá đó đem nướng than củi đến độ se thơm, bén cháy một chút, rồi kho đến ải với muối hạt và mật mía, gia vị là vỏ quýt phơi khô, đảm bảo “thơm từ cá, ngọt từ môi”. Món này, người bệnh liệt giường cũng phải ăn được vài bát cơm là ít!
   Cá trích nướng chín, ăn với bún và mắm tôm, kèm giá đậu, đố ai quên được. Món “bún, giá, cá ruốc” là một đặc sản danh tiếng của “Chợ Nồi” xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Món bún lá, kết hình tròn, dẹt như lòng cái đĩa nhỏ, ngon tuyệt chiêu là chốn này. Bún làm hoàn toàn bằng thủ công , tỉ mẫn, không hóa chất, không máy móc, nó là một nghề gia truyền, í ai biết được. Bún Làng Quỳnh thơm chua, dẻo, giòn, ăn no lúc nào chẳng để ý được. Nếu có về, nhớ ăn một lần, khi chết đỡ thiệt! Chuyện rằng: Cụ bà Châu Thị Ba, quê ở Quảng Nam-phu nhân Tri huyện Nguyễn Thụ đã đưa nghề bún lá về làng Quỳnh Đôi cách đây đã trên 130 năm, và tồn tại và phát triển đến ngày nay không mai một. Thế mới biết bún Làng Quỳnh nó sạch và ngon đến cỡ nào.
      Kể món ăn Xứ nghệ có mà hết thời này sang thời khác, chuyện nọ xỏ chuyện kia, sợ miếng của làng bắt quàng sang món xứ…Nó nhiều vô kể và độc đáo đến ngạc nhiên. Kể nhiều, cứ thòm thèm, khó chịu lắm, khó chịu đến rỏ dãi!
NƯỚC CHÈ XANH KIỂU "QUÊ CHOA":
   Thói đời, đã ăn thì phải uống. Uống chè xanh kiểu Nghệ, không cẩn thận , không quen là “say sùi bọt mép” ngay lập tức; Ai chưa quen, chớ có mà làm liều!
    Chè xanh có nhiều kiểu nấu khác nhau, và tất nhiên là kết quả cũng có khác, chỉ có người nghiện mới phân biệt được. Nếu để tiếp được nhiều người, thì người ta nấu trong “nồi bộng” bằng đất nung thật to, dung tích cỡ vài chục lít. Nấu nước chè xanh bằng nồi kim loại là vứt. Đun nước phải bằng củi cây mít, củi cây săng lẻ thật nỏ mới ngon, mà phải đun lửa trận mới đủ nhiệt. Khi nước sôi sung sục, mới được bỏ chè đã vò kỹ vào; cho sôi tiếp, rồi chế thêm mấy gáo nước nước lạnh cho chè nhừ, rồi ủ. Người nhà đi khắp thôn mời mọi người qua uống “nác” (nước) chè xanh, về đến nhà, là nồi nước vừa đến độ ngon. Tục lệ “mời cả làng uống nác chè xanh” là một nét văn hóa có tự ngày xưa ở miền trung du Xứ Nghệ đấy.  
    Bát chân yêu (bát tô sành) to chà vá, sắp đầy kín một nong tre, những bát nước nóng hổi, thơm phức. Cả thôn tập trung uống vui vẻ và đàm đạo công việc nhà nông, việc họ, việc làng. Nhớ múc nước bằng gáo dừa, cán tre, chớ múc bằng đồ kim loại hay nhựa, là mất vị chè. Có người nghiện đến nỗi, uống nước chè tính bằng vài ba sải tay. Dang tay ra hết cỡ, bát này kế liền bát khác, vừa một sải tay cỡ trên chục bát, tính là một sải. Ghê thật! Thế mới là dân nghiện. Chỉ mấy lão lực nông tri điền, thân to như hộ pháp, hai sương một nắng, không biết giày dép là chi mới lập được kỷ lục thế giới uống chè xanh như thế mà thôi.
  Riêng món chè xanh om phải dùng bằng ấm sành to, dày. Lá chè phải chọn lựa kỹ : Không bầm dập, màu xanh thẫm, già… rồi vò trong nước lã cho kỹ, để thật ráo nước. Cho nước sôi vào “làm lông” ,đổ kiệt nước ban đầu này đi, rồi mới đổ nước đang sôi sung sục khác vào. Nước phải là nước mưa bảo quản lâu ngày mới tinh khiết, thanh tao, chè mới dậy hương. Ở quê thì ủ trong rơm, trấu, ở phố thì ủ trong giỏ . Kết quả là có một thứ nước, sóng sánh, trong xanh…thơm phưng phức đến quyến rũ. Phải uống nước chè xanh bằng bát sứ, nó mới ngon. Uống một lần là ta nhớ đến tận “ tra” (già) …
   Nước chè xanh nếu pha với mật mía đến độ ngọt vừa phải, nghe nói chữa được khá nhiều bệnh về phổi, tiêu hóa, thận và cả thần kinh nữa.
     Nhắc nhở ai đó, muốn tiếp thị trà xanh các kiểu kiếm sống, chớ dại và mất công xông vào nơi nào có dân Nghệ.
   Chà! Uống chè xanh mà có “bánh khô cặp lạc” (kẹo cu đơ) thì nó mới tuyệt làm sao! Vị chát của chè xanh, cái ngọt khé của mật mía, hương thơm ngậy của lạc rang và giòn giòn bùi bùi của bánh khô… say đến lịm ga. Một món thưởng thức mà tạo hóa ban tặng cho trần gian đấy. Có lẽ, ai từng dùng rồi, trước khi đi về thế giới bên kia chắc vẫn còn luyến tiếc!
  Cơ man nào là đặc sản Xứ Nghệ, nếu ai chịu khó nghiên cứu nghiêm túc, thì chắc chắn sẻ thành “Tiến sỹ thật” về ẩm thực.
  Bài này xin viết từng ấy, đọc xong, không biết độc giả đã mấy lần nuốt nước bọt!
  Đặc sản muôn vùng quê Việt Nam mình thì có nhiều, nhiều lắm, chưa nói đến món Tây, Tàu. Chỉ có điều là, dân Nghệ xa xứ vẫn mãi mãi đam mê và nghiện những món truyền thống quê nhà ấy. Đến nỗi, “lây” sang cả cộng đồng dân bản xứ  nơi người Nghệ cư trú. Rồi nó thành đặc sản chung cho ẩm thực Việt Nam tự lúc nào không biết nữa.
   Cứ vào các nhà hàng bình dân đến đặc sản gọi món Xứ Nghệ, dù không ngon bằng chính gốc, nhưng cũng tạm qua cơn nghiện!
-----------------
Bài viết của tác giả Đặng Ngọc Thăng

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

MỘT THỜI CẦN KIỆM

Từ con tàu đánh cá , kéo lưới đuôi, chiều dài 36m, máy chính công suất 400cv, hoạt động không còn hiệu quả, bị thanh lý, những người thợ đóng tàu của nhà máy CƠ KHÍ CÔNG TRÌNH , đã hoán cải thành tàu khảo sát địa chấn , phục vụ công tác thăm dò dầu khí
 Đó là tàu khảo sát địa chấn  BÌNH MINH, ra đời từ năm 1980                                                                                                                                                                                                                                
 Tàu đã hoạt động hiệu quả trong nhiều năm, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp khai thác dầu khí trên thềm lục địa của tổ quốc Việt Nam

 Giờ đây , ngành dầu khí đã có nhiều tàu dịch vụ địa chấn hiện đại, nhập từ nước ngoài, tàu BÌNH MINH   đã giải bản , nhưng tính cần kiệm của một thời vẫn cần ghi nhớ















Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

XƯA VÀ NAY


Tàu thủy trên Sông Hồng năm 1889


Tàu thủy chở khách du lịch trên Sông Tiền năm 2012

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

TRÊN ĐƯỜNG RA BIỂN LỚN

Cách đây 30 năm, Nhà máy đóng tàu An Phú, được bộ giao thông vận tải , giao cho nhiệm vụ, đóng chiếc tàu biển 1000 tấn. Đó là chiếc tàu 1000 tấn số 4, trong số 30 tàu cùng loại mà bộ giao thông vận tải giao cho một số nhà máy đóng tàu như Bạch Đằng, Hạ Long , Cơ khí giao thông 2, tham gia đóng , để tăng năng lực cho vận chuyển  biển Bắc Nam, và tuyến quốc tế Đông Nam Á
   Tàu đóng theo thiết kế  của viện thiết kế tàu thủy, cục cơ khí , bộ giao thông vận tải
         Thông số chính :
   - Chiều dài thiết kế          :  L =75 m
   - chiều rộng thiết kế         :  B=10.5m
   - Chiều cao mạn thiết kế  : D = 5.5 m
   - Mớn nước toàn tải        :  d = 4.5 m 
   - Máy chính                    :  SKODA- 6L 350 , công suất  980 cv, chế tạo tại Tiệp Khắc
   - Máy phát điện chính     : 2 máy K161- công suất 75 kw  , chết tạo tại Liên Xô
   - Thiết bị neo, thiết bị lái do nhà máy đóng tàu Bạch Đằng chế tạo
   - Thép đóng tàu các loại : chế tạo tại Liên Xô
 Xưởng An Phú nằm cách cầu Sài Gòn 0.5 hải lý về phía thượng nguồn, vì vậy khi đóng xong tàu, việc khó khăn là phải hạ thấp các chi tiết như cột đèn tín hiệu, ăng ten ra đa , dể bảo dảm an toàn tuyệt đối đưa tàu chui qua cầu Sài gòn. Khi thủy triều thấp nhất độ cao tính từ mặt nước đến điểm thấp nhất của dầm cầu sài gòn là 10.7 m
 Khỏang cách oan toàn khi tàu chui qua cầu là 0.3 m
 Tàu được đóng xong , với nhiều cố gắng của hàng trăm con người trong suốt một năm . Ngày đó đóng được tàu có trọng tãi 1000 tấn là sự cố gắng rất lớn của người thợ đóng tàu An Phú . Ngày tiễn con tàu đi ra biển lớn, cũng là ngày phải thực hiện một công việc khó khăn là đưa tàu chui qua cầu Sài Gòn.
  Cố gắng hạ thấp các thiết bị trên boong nóc buồng lài , con tàu có chiều cao tính từ mặt nước là 10.3 m , đủ tiêu chuẩn an toàn chui qua cầu
 Điều khiển tàu  chui qua cầu là hoa tiêu trưởng cảng Sài Gòn -Tôn Thọ Khương, trực tiếp chỉ huy trên tàu là thuyền trưởng  Bình An, kỹ sư thiết bị động lực Trần Ngọc Thuần phụ trách máy trưởng, cùng một số cán bộ và công nhân đóng tàu An Phú, và 2 tàu kéo cảng có công suất 500 cv, 
Công việc tiến hành từ 2 giờ chiều , và kết thúc vào 4 giờ chiều, khi tàu neo đậu an toàn cách cầu Sài Gòn 0.5 hải lý về phía hạ lưu.
   Công việc xong xuôi, trên trán người hoa tiêu , người thuyền trưởng lấm tấm những giọt mồ hôi. Mọi người vui mừng , tàu kéo hỗ trợ, kéo còi tạm biệt, ca nô hoa tiêu cặp mạn đón chú Tôn Thọ Khương về cơ quan, ở đầu vàm Tân Thuận   
  Và ngày hôm sau, công tác thử tàu đường dài được tiến hành, con tàu kéo một hồi còi  , và từ từ xuôi theo dòng sông Sài Gòn , qua sông  Nhà Bè , Vào sông Lòng Tàu, và đi ra biển lớn
 Sau thành công đóng  tàu trọng tải 1000 tấn , các nhà máy đóng tàu của cục cơ khí, bộ giao thông vận tải, đóng tiếp tàu 3000 tấn, 
 Đó là những bước đi ban đầu , để cho ngành đóng tàu Việt Nam phát triển.
 Một kỹ sư  đóng tàu người Anh đã nói :" trong con tàu của hôm nay, có bóng dáng những con tàu của  ngày đã qua, và của tương lai"
  Nhiều nhà máy đóng tàu trên thế giới, sau khi đóng xong tàu, phải đưa tàu chui qua cầu, để ra biển lớn , Chiếc tàu khách lớn nhất thế giới do Phần Lan đóng cho hãng tàu khách của Mỹ là một trong số đó 

     Tàu chở khách lớn nhất thế giới

Chiếc tàu khách khổng lồ của Phần Lan vừa hoàn thành, phải chạy ngang qua Đan Mạch... để có đường đến Mỹ (Florida). Chiếc tàu này cao quá... nên buộc lòng phải gỡ ống khói tàu xuống, rồi mới chạy xuyên qua lòng cầu được ! Dân chúng được xem một màn ngoạn mục !... Chiếc tầu được thắp đèn sáng choang trong đêm tối !...

 
Chuyến ra khơi của con tàu chở khách lớn nhất thế giới diễn ra trên biển Baltic, và nó đã vượt qua thử thách đầu tiên một cách ngoạn mục.

Con tàu đã hạ thấp ống khói để lướt qua dưới cây cầu Great Belt với khoảng cách chỉ 50 cm. Ảnh: Daily Mail.
Con tàu mang tên Oasis of the Seas (Ốc đảo giữa biển) trị giá 1,3 tỷ USD, cao tương đương tòa nhà 20 tầng, có 16 khoang, tải trọng 220.000 tấn và có sức chứa hơn 6.000 hành khách và hơn 2.000 thủy thủ.Oasis of the Seas được cho là lớn gấp 5 lần tàu Titanic. Giá khởi điểm cho một chuyến đi biển Caribbean dài 9 đêm trên con tàu này là khoảng 2.200 USD.Tàu được đóng tại Phần Lan trong suốt 6 năm qua, và nó sẽ về đến cảng nhà ở Mỹ vào ngày 11/11, theo Australian News. Đêm 31/10, hàng trăm người tụ tập ở bờ biển, hai đầu cây cầu Great Belt, nối đảo Zealand và Funen của Đan Mạch để được thấy con tàu khổng lồ này đi ra khỏi biển Baltic. 

Đám đông trở nên hồi hộp khi con tàu trườn dưới cầu và chỉ cách cầu 50 cm. Lúc đó tàu đã phải hạ ống khói phía trên. Giao thông thủy ở khu vực được dừng lại 15 phút để đảm bảo an toàn và phòng khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, cô nàng "Ốc đảo" khổng lồ và sang trọng đã vượt qua thử thách đầu tiên thành công. 

Oasis of the Seas được trang bị một hệ thống giải trí xa hoa bao gồm nhà hát, thiết bị mô phỏng lướt sóng, sân trượt băng, sân chơi golf, những bức tường leo núi, xoáy nước và một con đường dạo mát trải dài gần hết chiều dài 400m của con tàu. Tàu được chia làm 7 khu vực gồm công viên trung tâm, nhà hát kịch, đường dạo, khu vực hồ bơi và thể thao, trung tâm thể dục thẩm mỹ, cung điện giải trí và khu vực cho giới trẻ.

Con tàu lớn nhất thế giới trị giá 1,3 tỷ USD của hãng Royal Caribbean. Ảnh: Daily Mail.
Oasis of the Seas được cho là lớn gấp 5 lần tàu Titanic. Ảnh: DailyMail.
Tàu tương đương tòa nhà 20 tầng. Ảnh: DailyMail.
Khung cảnh bên trong tàu. Ảnh: DailyMail
Một tổ hợp giải trí gồm mô hình lướt sóng, sân chơi bóng chày, bóng rổ, sân gôn mini, tường leo núi, thậm chí có cả một phòng nghiên cứu khoa học. Ảnh:DailyMail
Khu công viên trên tàu. Ảnh: ursispaltenstein.ch
   

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

PHỐ HOA

Xưởng đóng tàu của Nhà máy đóng tàu An Phú nằm trong khu Thanh Bình, xã An Phú , quận Thủ Đúc ,  bờ bắc sông Sài Gòn , cách cầu Sài Gòn 0.5 hải lý, về phía thượng nguồn. Con sông Sài gòn hiền hòa , từ thời các chúa Nguyễn đã giang rộng , để đón những người Việt từ miền Trung , miền Bắc, và cả người Minh Hương , vào mở mang vùng đất phương Nam tốt tươi, nay lại đón thêm những người thợ, đến lập nhà máy, đóng tàu, phục vụ phát triển giao thông đường thủy, góp phần xây dựng kinh tế vùng Nam Bộ, ngày càng giàu đẹp  
 Trên con đường nhỏ dẫn vào xưởng là khu cư xá công nhân, và nhà văn phòng. Hai dãy nhà cấp 4, lợp mái tôn , cửa gỗ sơn xanh  . Hằng ngày trên con đường trải đá cấp phối , xe vận tải, xe cẩu ra vào xưởng để chở các loại vật tư thiết bị , cho đóng tàu .  Trong phòng kỹ thuật, các kỹ sư, kỹ thuật viên : người từ Hà nội vào, người từ Hải phòng tới, người tốt nghiệp kỹ thuật Cao Thắng , người tốt nghiệp bách khoa Phú Thọ, có cả chuyên viên kỹ thuật của Hải quân công xưởng Ba Son , chăm chỉ làm việc . Bụi bay vào tận  phòng làm việc, nhưng chẳng hề chi , ngưng việc một lát, hết bụi, làm việc tiếp. Những ngày mùa khô, nhà mái tôn nóng hầm hập, đành phải rủ nhau ra tránh nóng dưới tán mấy cây trứng cá ven đường. Khi có gió lên , bớt nóng, lại vào làm việc tiếp
 Trên con đường đó , biết bao tấn thép , biết bao tấn thiết bị đã thông qua, để
         NHÀ MÁY ĐÓNG TÀU AN PHÚ
  Đóng phà thép cho Khu quản lý đường bộ 4, phục vụ giao thông đồng bằng sông Cửu Long, và giúp nước bạn Căm Pu Chia xây dựng hòa bình  , đóng tàu 1000 tấn  đầu tiên tại Miền Nam, đóng pông tông cho hải quân , bảo vệ chủ quyền biển đảo , trong chiến dịch CQ88 ...
 Để có đất phát triển thành phố  , nhà máy đóng tàu An Phú dời về nhà Bè. Khu đất của nhà máy, bây giờ là tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai, và khu biệt thư bờ sông . Con đường vào nhà máy năm xưa, chưa có tên, thì bây giờ được mang tên Nguyễn Cừ, khu phố 4, phướng Thảo Điền Q2, TP Hồ Chí Minh
 Trên con đường đó ,  nhà của người thợ đóng tàu, xen lẫn nhà của người mới đến từ mọi miền , ngày càng khang trang 
 Mùa xuân này, mọi người trong phố , cùng nhau , mua hoa cúc đặt trước nhà, để cho con đường nhỏ trở thành con đường hoa
 Một  việc làm nhỏ, nhưng mang lại niềm vui chung trong mùa xuân mới