Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Những người bạn học là gíáo dân xứ Nghệ

 Khi chiến tranh phá hoại Miền Bắc bằng không quân của Mỹ ngày càng ác liệt, mình cùng gia đình sơ tán về xóm Trung Song, một họ đạo nhỏ nằm ven vịnh Diễn Châu . Trong xóm có nhiều các anh, các bạn  cùng đi học . Anh Nam, anh Phi , học trên mình 3 lớp, sau khi tốt nghiệp phổ thông, các anh xung phong đi bộ đội, ngày hòa bình , các anh về quê, là những giáo dân kính chúa,yêu nước . Có nhiều bạn học cùng lớp với mình,  nhưng rồi lần lượt, vì hoàn cảnh gia đình, một số bạn nghỉ học từ cuối năm lớp 4. Chỉ có Hoàng Xuân, và Đặng Xuân Quyền cùng mình học cấp 2, và lên đến cấp 3
 Những ngày lễ trọng tại xóm đạo, mình thường đến nhà các bạn ăn lễ . Lúc đó còn chiến tranh , có nhiều thiếu thốn, nhưng những ngày lễ , xóm đạo tổ chức rất trang trọng . Không có điện từ lưới điện nhà nước, để chiếu sáng trang hoàng nhà thờ , người dân xóm đạo có sáng kiến tập trung xe đạp lại, để lấy điện từ máy phát điện của xe đạp . Cây thông nô en , máng cỏ,  được chiếu sáng bằng bóng  điện có màu rực , điện áp  6 v - công suất 5 w  . Để có nguồn sáng đẹp đẽ, các nam thanh thiếu niên thay nhau  cầm pi đan quay đĩa chiếc xe đạp lật ngửa,  làm quay bánh xe, dẫn đến quay máy phát điện nhỏ .
 Ngày lễ người xóm đạo đến nhà thờ , ai cũng mặc áo dài, thật là trang trọng ,
Vì không theo đạo thiên chúa , nên mình không dự lễ tại nhà thờ, nhưng các bạn mời mình về nhà ăn lễ . Nhà Xuân và Quyền ở gần nhau , nên  mình đến ăn lễ tại nhà của hai bạn
 Mùa hè năm 1972, Hoàng Xuân được cử đi  Bun Ga Ri  , học kỹ thuật xây dựng , xóm đạo chỉ còn Đặng Xuân  Quyền tiếp tục học cùng lớp với mình 
 Đầu niên học 1972-1973,  học lớp 10 sơ tán tại Diễn Lợi , mình và Quyền  cùng trọ một nhà.Đến  ngày lễ Nô En , Quyền xin phép lớp trưởng nghỉ học hai ngày, đề về nhà dự lễ . Vì đường xa, nên năm đó mình không được  cùng Quyền ăn lễ Nô En .
 Sau lễ  trở lại lớp , Quyền nói  : lễ Nô En năm nay do có chiến tranh, nên chưa vui, hẹn mùa lễ tới
  Mùa Nô En năm 1973, rồi cũng tới, nhưng lúc đó, mình đã đi học tại  Hải Phòng, còn Đặng Xuân Quyền đã trở thành anh bộ đội
 Trên đường vào mặt trận , tranh thủ lúc dừng chân Quyền viết thư thăm mình . Nhận  thư  bạn , cảm động , nước mắt cay cay. Thương và lo lắng  nhiều cho bạn
   Chiến tranh thì ác liệt , không làm  gì hơn , mình chỉ mong cho bạn bình an ,
 Rồi một ngày mùa đông năm 1974, mình nhận được tin , Quyền  đã hy sinh tại mặt trận Thượng Đúc.
  Thương bạn nhiều lần nằm mơ thấy bạn về thăm 
   Mấy tháng sau thì chiến tranh kết thúc
   Đặng Xuân Quyền hy sinh khi tuổi chưa tròn 20. Nếu không có chiến tranh, Quyền có thể trở thành thầy giáo dạy chữ cho học trò xóm đạo . Cũng có thể Quyền sẽ trở thành linh mục , để truyền đức tin thiên chúa cho người dân xóm đạo
  Chiến tranh đã cướp đi những ước mơ của bạn . Thật là đau xót
 Từ ngày đó , mình chưa có dịp trở lại xóm đạo, thăm gia đình các bạn, đi xem lễ nhà thờ Trung Song
 Một phi công quân sự,người bà con của Quyền , nói với mình là : các em của Quyền đã vào Thượng Đức , bốc mộ Quyền về nghĩa trang liệt sĩ của xã Diễn Thịnh .  Mình hình dung,mộ của bạn có ngôi sao, và cây thánh giá, và tên của bạn vàng tươi trên bia ghi danh liệt sĩ tại nhà bia huyện Diễn Châu,vừa khánh thành năm ngoái   
 Có lần gặp Võ Thị  Hảo bạn học cùng khóa tại Hà Nội , cùng nhau ôn lại những ngày đi học cùng  Trường cấp 3 Diễn Châu I, lớp mình , cô bạn nói - nhớ nhất là Quyền, người công giáo, có gương mặt hiền lành, thánh thiện ...
  Mình  không phải ra nơi hòn đạn mũi tên, mà may mắn  học luôn một mạch, rồi có nghề nghiệp. Trong khi nhiều bạn cùng học đã hy sinh khi tuổi còn rất trẻ
 Mình luôn tự nhủ : may mắn hơn các bạn thì phải cố gắng sống cho tử tế. Tâm niệm thì đơn giản , nhưng thực hành, không phải dễ , trong cái thời gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa 
  Ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh 2012, nhớ đến ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh 1972, nhớ đến người bạn công giáo Liệt sĩ Đặng Xuân Quyền, với bao bồi hồi , xúc động và suy nghĩ .
 Qua bạn bè, được biết :  nhà thờ Trung Song đã xây lại, đàng hoàng hơn xưa, xóm đạo có nhiều người học hành hơn trước, có nhiều bạn trẻ là doanh nhân làm ăn giỏi giang , giàu có , các em và cháu của Quyền bình an , mạnh gỉỏi. Mình mừng nhiều lắm
 Và cũng luôn mong làm sao người dân lương , giáo trên đất Nghệ An ,  hòa thuận, yêu thương , tôn trọng tín ngưỡng  của nhau .
 Tin rằng : trên đất Nghệ non xanh nước biếc , sẽ có những nhà thờ, chùa chiền, trở thành danh lam , thắng cảnh , cho du khách viếng thăm

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN VÀ HẢI ĐẢO CỦA TỔ QUỐC

Cả dân tộc phải đứng bên ngư dân

“Chúng ta phải coi ngư dân nước ta là chiến sĩ tiên phong trên biển. Cả dân tộc phải luôn đứng bên cạnh họ, cùng nhau bảo vệ, không để mất chủ quyền trên biển…”


Ông Trần Cao Mưu - Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên NTNN.
Thưa ông, sau khi Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam, vừa qua, chính quyền tỉnh này ra “Điều lệ quản lý trị an biên phòng duyên hải Hải Nam”, trao quyền cho cảnh sát biên phòng Hải Nam khống chế tàu thuyền nước ngoài vào vùng biển thuộc quản lý của Hải Nam. Đây có phải là hành động gây hấn mang tính chất hệ thống của phía Trung Quốc?
- Những hành động gây hấn liên tiếp vừa qua của phía Trung Quốc trên Biển Đông rõ ràng là có hệ thống, từ việc họ không chịu ký Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN cho đến việc ra quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, rồi ra “Điều lệ quản lý trị an biên phòng duyên hải Hải Nam”, gần đây nhất là in hình lưỡi bò lên hộ chiếu phổ thông…
Tất cả những việc làm đó của Trung Quốc rõ ràng là có ý đồ, có âm mưu tính toán từ trước nhằm gây hấn với Việt Nam và các nước trong khu vực. Họ cố tình làm như thế để thế giới hiểu nhầm là, vùng biển đó là của Trung Quốc. Song thực chất, vùng biển mà họ nói tới phần lớn là của Việt Nam.
Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá trên vùng biển Trường Sa - Việt Nam.
Với quyết định trên của phía Trung Quốc, tới đây việc khai thác của ngư dân nước ta sẽ bị ảnh hưởng như thế nào và Hội đã có những đề xuất, kiến nghị gì để giúp ngư dân yên tâm tiếp tục vững bước ra khơi?
- Có thể nói, gần đây việc khai thác của ngư dân trên biển đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các hành động gây rối của các tàu cá Trung Quốc. Gần đây, các tàu cá Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển nước ta và khi bị phía ta xua đuổi, không những họ không tuân thủ, mà còn chống trả lại. Mỗi lần như thế, có cả 100 chiếc tàu, thuyền đi gần nhau.
Do đó, nếu chúng ta không có những động thái tích cực, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc khai thác hải sản của ngư dân. Theo tôi, chúng ta không được để cho ngư dân mất biển bằng việc không khai thác hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta. Cả dân tộc Việt Nam cần đứng về phía ngư dân, bởi chính họ là những chiến sĩ nơi tiền tiêu đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền trên biển của nước ta.
“Việc lực lượng kiểm ngư chính thức được thành lập sẽ rất tốt cho ngư dân, bởi họ sẽ tham gia vào việc kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển. Cùng với các lực lượng khác, kiểm ngư sẽ là một trong những lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền trên biển”.
Từ trước đến nay, chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân nhưng chưa được như kỳ vọng. Vậy theo ông, cần có những chính sách nào mạnh mẽ hơn để giúp ngư dân?
- Nhà nước phải có cơ chế, chính sách thiết thực, động viên ngư dân bám biển kịp thời như cho ngư dân vay vốn đóng tàu lớn, hỗ trợ xăng dầu cho họ ra khơi xa…
Thực ra, trong thời gian qua, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân, nhưng có nhiều chính sách còn hạn chế, bất cập. Chẳng hạn như Chính phủ đã có Quyết định 289 hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân, song từ năm 2008 đến nay xăng dầu đã tăng giá rất nhiều lần, mà chúng ta vẫn không điều chỉnh cơ chế, chính sách để ngư dân thực sự được nhận xăng dầu hỗ trợ.
Hay như chính sách cho ngư dân vay vốn đóng tàu, hiện có quá nhiều quy định làm khó, ngư dân không thể đáp ứng được để vay vốn đóng tàu lớn. Do đó, để ngư dân yên tâm ra khơi, chúng ta phải hỗ trợ họ đóng thuyền to, máy lớn.
Xin cảm ơn ông!
Kịch liệt phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc
Hôm qua (5.12), PGS-TS Võ Văn Trác- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nghề cá Việt Nam đã ký công văn gửi Bộ Ngoại giao, Bộ NNPTNT với kiến nghị cần có những biện pháp cứng rắn trước việc phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo, cắt đứt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam. Nội dung công văn nêu rõ: Trong thời gian qua, phía Trung Quốc đã có nhiều hành động xâm phạm Biển Đông với chủ ý tính toán lâu dài như ra lệnh cấm đánh bắt hải sản ở Biển Đông, huy động tàu cá khai thác trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, thông qua Điều lệ quản lý trị an biên phòng trên biển của tỉnh Hải Nam…
Trước những hành động trên của phía Trung Quốc, Hội Nghề cá kịch liệt phản đối các hành động phi pháp, phá hoại tài sản, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động sai trái nói trên. Hội Nghề cá kiến nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp hữu hiệu, cứng rắn, phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động phi pháp nói trên.