Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

CỔNG TRƯỜNG TA- ĐẠI HỌC GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY HẢI PHÒNG

                                                       
      Vừa rồi các bạn đã đưa lên facebook, hình ảnh: cổng vào khu lớp học của trường ta: Đại học giao thông đường thủy Hải Phòng. Chúng ta và những người dân Phương Lưu hồi đó nhìn thì nhận ra ngay, nhưng với nhiều người chưa bao giờ đến Phương Lưu những năm đó thì họ sẽ nghĩ rằng, đó có thể là cổng ra vào của một đội sản xuất nông nghiệp, hoặc là một hợp tác xã tiểu thủ công mây tre lá bị bỏ hoang
 Nhìn bức hình cổng khu học tập của trường, thấy thân thương quá, nhưng mà cũng buồn, vì trường ta đã bị sát nhập và xóa tên tên. Chúng ta không bao giờ được hồ hởi tụ tập tại cổng trường cũ, để chụp hình lưu niệm, mỗi khi có dịp gặp gỡ  thầy cô, và bạn bè đồng lớp, đồng trường
     Ghi lại mấy dòng về nhà trường thân yêu để làm kỷ niệm
     Phân hiệu đại học giao thông đường thủy tách ra từ Trường  đại học giao thông, và sau đó chuyển về về làng Phương Lưu Hải Phòng từ năm 1969. Lúc đó Mỹ mới ngưng đánh phá Miền Bắc sau 4 năm, không quân và hải quân Mỹ ném bom bắn phá ác liệt mà vẫn không ngăn được sự chi viện của nhân dân Miền Bắc cho chiến trường Miền Nam
 Biết rằng chiến tranh còn kéo dài năm năm hoặc lâu hơn nữa, nên việc xây dựng nhà trường chỉ với qui mô thời chiến, vừa gần xóm làng có lũy tre,hàng cây che chở, dễ ngụy trang khi Mỹ ném bom trở lại, và cũng gần thành phố Hải Phòng, nơi có hệ thống cảng và nhiều nhà máy đóng tàu, thuận tiện cho việc học kết hợp với sản xuất
   Nhà trường gồm nhiều khu chức năng riêng rẽ gần nhau, có hàng rào bằng xi măng cốt thép dạng thanh, vững chắc, bao quanh hài hòa với khung cảnh, xen kẽ với các xóm của làng Phương Lưu
 Từ ngoài đường cái đi vào bên tay phải là nhà ăn tập thể, nơi sinh viên , các thầy cô và cán bộ công nhân viên nhà trường, đều tới hai lần: trưa, chiều
 Đi tới bên tay trái là cổng chính của trường, trụ xây bằng gạch, quét vôi màu vàng, trên cao có cổng bằng thép kết cấu kiểu khung dàn, sơn màu xanh lá cây, có dòng chữ ghi rõ ràng: PHÂN HIỆU ĐẠI HỌC GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY HẢI PHÒNG, bên dưới có dòng chữ khổ nhỏ hơn bằng tiếng Nga, nội dung: trường đại học các kỹ sư đường thủy Hải Phòng. Cổng  trường chắc chắn, theo mình là đẹp, hài hòa với qui mô của trường và phong cảnh làng Phương Lưu. Qua cổng chính, bên phải là xưởng trường với đầy đủ các phân xưởng ngành cơ khí như rèn, đúc, gia công cắt gọt. Sinh viên khoa cơ khí năm thứ nhất học nghề cơ khí cơ bản, các năm cuối thực tập sữa chữa máy tàu, xe ô tô, cần cẩu… Bên trái dọc theo đường đi là dãy nhà kho thiết bị vật tư. Đi tiếp vào bên trong là các dãy nhà ở sinh viên, rồi tiếp đến là hội trường số 1, thư viện , phòng thí nghiệm điện,văn phòng các khoa, và cuối cùng là các dãy nhà ở của giáo viên và cán bộ công nhân viên. Các lớp học, phía đông giáp với xưởng trường, phía bắc, phía tây giáp với đường làng. Từ chỗ ở, sinh viên và giáo viên lên lớp bằng đường nội bộ, chạy song song với đường làng cách nhau bằng  hàng rào
 Từ lớp học có cổng nhỏ đi ra đường làng, đó làng cổng có hình trên facebook. Cổng này thường chỉ có sinh viên và các thầy cô sống tại thành phố Hải Phòng đi qua lại. Ít người qua lại, cái cổng lúc đó đã vắng vẻ
    Mình đến trường nhập học, đầu năm 1974, muộn hơn so với các bạn cùng lớp hai tháng, lần đầu được đi qua cổng trường, nên quan sát kỹ và nhớ lâu đến bây giờ
      Mười năm đi học phổ thông, toàn học ở lán cạnh lũy tre, rừng phi lao, từ lớp vỡ lòng, đến lớp 10, chẳng khi nào thấy cổng trường
   Được bước qua cổng trường đại học, để học tập, rèn luyện thành kỹ sư đóng tàu, vui mừng nhiều và rất cố gắng, để làm sao sau 5 năm học tập, bước ra khỏi cổng trường, có nghề nghiệp tự nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình và góp công sức nhỏ bé cho xã hội
  Mình nghe các anh học các khóa trước đi bộ đội, về học cùng lớp vỏ 14, kể chuyện: từ năm 1969-1973, nhiều sinh viên trường ta, đang học năm thứ nhất, thứ hai đã lên đường ra các mặt trận, Có nhiều anh đã hy sinh trên khắp các chiến trường: Đường 9, Nam Lào, Quảng Trị, tới Đắc Tô, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Mộc Hóa …Nơi chiến tranh ác liệt, ta và địch dành nhau từng tất đất. Các anh trẻ mãi tuổi hai mươi, không bao giờ trở về, đi qua cổng trường, tiếp tục học tập, để trở thành kỹ sư giao thông đường thủy. Các anh được tổ quốc ghi công, đồng đội, các bạn và nhân dân mãi mãi ghi nhớ
     Mỗi lần về tết, về hè háo hức lắm, nhưng bước qua cổng trường lại bồi hồi, lo lắng. Lo trễ tàu, lo nghĩ cách nào trốn vé để không bị nhân viên đường sắt cho xuống giữa đường, lo nhiều nhất là bị đói vì sau một học kỳ, tiền trong túi không còn là bao, chỉ đủ mua nước uống cho một chặng đừờng dài 400 cây số, chuyển tàu xe mấy lần. Mong làm sao về tới nhà, để ăn bù, ngủ bù.
 Nghỉ hè, nghỉ tết xong lại háo hức quay lại trường. Bước qua cổng trường là yên tâm, vì đã có nhà ăn tập thể lo cho việc ăn, ở nhà tập thể mái ngói xi măng, tường trát đất, quét vôi, không đẹp lắm nhưng sạch sẽ gọn gàng, có điện, có nước máy, điều kiện tốt hơn rất nhiều so với cuộc sống ở gia đình  
Phải nói rằng : thời kỳ đó, nhà nước có nhiều cố gắng để có sức người, sức của cho tiền tuyền tuyến, tạo mọi điều kiện cho công tác đào tạo cán bộ phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Mình nhận thấy rằng: các thế hệ sinh viên Trường đại học giao thông đường thủy, sau khi tốt ra trường ai cũng có tâm với nghề nghiệp,cố gắng để làm tốt công việc,
Thời gian từ 1980 về sau, có phong trào sát nhập: sát nhập tỉnh, sát nhập các cơ quan quản lý, sát nhập các trường học, để đi lên sản xuất lớn.Các tỉnh nhập lại lấy tên mới gồm chữ đầu, hoặc chữ cuối của những tỉnh được sát nhập. Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên nhập vào, thành tỉnh Bình Trị Thiên. Nghệ An, Hà Tĩnh nhập vào thành tỉnh Nghệ Tĩnh… Cách gọi như vậy là phù hợp, vừa dễ nghe,dễ nhớ, được lòng nhân dân và cán bộ các tỉnh bị sát nhập
  Lúc đó Trường dại học giao thông đường thủy, và Trường đại học hàng hải sát nhập lại thành một trường, nếu đúng ra, người ta gọi trường mới là TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG  SÔNG  BIỂN, vừa mô tả đúng nghành nghề, lại không dùng nhiều từ vay mượn Hán Việt, nghe cũng vần điệu, dễ nhớ, không mất lòng ai.
 Theo mình: việc sát nhập 2 trường lại với nhau, không làm mạnh lên khả năng đào tạo kỹ sư giao thông đường thủy
 Mình ra trường cuối năm 1978, dự tính 2 năm sau về lại Hải Phòng, bước qua cổng trường thân thương để nhận bằng tốt nghiệp. Đường sá xa xôi, thời gian nghỉ phép ít, phải đến mấy năm sau mình đành viết thư, kèm theo phiếu nhận xét của lãnh đạo nhà máy, gửi ra nhờ bạn cùng lớp lúc đó đang làm giáo viên dạy sức bền thân tàu, lấy hộ bằng nghiệp
Lúc đó Trường đại học giao thông đường thủy đã bị xóa tên, nên bằng tốt nghiệp của mình do Trường đại học hàng hải cấp. Học trường này lầy bằng trường nọ, bằng thật mà như bằng giả  

Nước mình có nhiều việc: bữa qua đúng, hôm hay sai, ngày mai lại đúng, nên biết đâu trong quá trình đổi mới liên tục theo nhiệm kỳ, người ta lại đề xuất, thành lập lại TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY, lúc đó chúng ta lại đứng bên nhau, chụp hình cùng với cổng trường mỗi lần có dịp về thăm Thành phố hoa phương đỏ          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét